Giới thiệu

Lịch sử hình thành

Chùa Linh Bửu với lịch sử hơn 90 năm thành lập, hiện tọa lạc tại 268 Lê Duẫn, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ban sơ do Hòa thường Chánh Hậu (tục gọi Thầy Hai-Trần Ngọc Hạp, sinh năm Giáp Thân 1884) sáng lập vào năm 1930. Phát tích ban đầu của Chùa tọa lạc tại Ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc Thành Phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Chùa ban đầu là nơi đáp ứng nhu cầu chiêm bái của tín đồ Phật tử tại địa phương, và Hòa thượng Chánh Hậu là tăng sĩ của Hội Lục Hòa Liên Xã (tiền thân của Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam). Sau đó, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng dân tộc, Hòa thương tuy tuổi già, nhưng đã tích cực tham gia vào phong trào này và giữ chức Cố vấn Liên đoàn Phật giáo Thiền lâm cứu quốc huyện Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa. Sau đó, Thầy Quảng Phước (thế danh Hồ Văn Nam, sinh năm Đinh Hợi 1887) là đệ tử của Hòa thượng Chánh Hậu cũng tham gia vào Liên Đoàn Phật giáo Thiền lâm cứu quốc, đồng thời giữ chức Kiểm soát Liên Đoàn Phật giáo Thiền lâm cứu quốc. Đến năm 1948, Thực dân Pháp đã mở cuộc càn quét diện rộng, thời gian này rất nhiều nhà dân bị đốt phá, và chùa Linh Bửu cũng không thoát khỏi kiếp nạn này. Vì không còn nơi cư trú cho Hòa thường Chánh Hậu và đệ tử của Ngài, Hòa thượng đành về ở tạm tại Chùa Quan Đế xã Mỹ Ngãi (nay là Phường 1, thành phố Cao Lãnh). Đến năm 1952, thầy Quảng Phước dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Chánh Hậu đã cùng với bổn đạo Phật tử tiến hành trùng tu lại Chùa Linh Bửu trên một mảnh đất mới tại rạch Bằng Lăng, ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh (cũ, tức là khu liên hợp thể thao của thành phố Cao Lãnh). Ở đây được hai năm (1954), do vị trí không thuận lợi cho việc đi lại của tín đồ Phật tử và điều kiện sinh hoạt của chùa, nên thầy Quảng Phước xin với Hòa thượng Bổn sư cho dời chùa về vị trí cạnh bờ sông Đình Trung, cũng chính là vị trí hiện tại của chùa (268 Lê Duẫn, phường Mỹ Phú, Tp.Cao Lãnh, Đồng Tháp). Giai đoạn này, Hòa thượng Chánh Hậu đã giao hoàn toàn mọi Phật sự điều hành tại chùa cho thầy Quảng Phước lo liệu. Hòa thượng do bệnh duyên viên tịch vào ngày 19 tháng 2 năm Bính Thân (1956). Sau khi lo hậu sự cho Hòa thượng Bổ sư xong, thầy Quảng Phước tiếp tục công việc Phật sự nơi Chùa Linh Bửu, để kế thừa tinh thần của tổ thầy. Khoảng từ năm 1960 đến 1968, thầy đã từng trợ duyên cho hai vị đệ tử xuất gia là Trần Văn Bé (sinh năm 1940) pháp danh Thiện Thọ, và Huỳnh Văn Be (sinh năm 1943) pháp danh Thiện An. Thầy Quảng Phước biết được thân thế của hai vị này xuất thân từ cách mạng, nên cũng hết lòng bảo hộ để hai vị thuận tiện trong hoạt động của họ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, về sau Phòng II tiểu khu tỉnh Kiến Phong (cũ) đã nhiều lần khám xét, để cho hai vị có nơi ở yên ổn hoạt động, thầy Quảng Phước đã gửi Thiện Thọ và Thiện An về chùa Hòa Long (xưa gọi là Miễu Trời Sanh), hai vị này ở đây hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền nam (30/04/1975).

Chùa Linh Bửu từ lúc tổ khai sơn truyền lại cho Thầy Quảng Phước cho đến năm 2001, không nằm trong danh bộ quản lý của bất kỳ Giáo Hội Phật giáo nào. Vì vậy, trong giai đoạn từ thầy Quảng Phước về sau là theo truyền thống Cổ sơn môn, truyền thừa dưới hình thức tộc họ truyền nhau. Đến ngày mùng 04 tháng 6 năm 1968 (năm Mậu Thân), thầy Quảng Phước viên tịch, trụ thế 82 năm, người kế thừa là thầy Thích Bửu Thông (thế danh Nguyễn Ngọc Bé, sinh năm Giáp Tý 1924), người dân kể lại thầy Bửu Thông là cháu ruột của thầy Quảng Phước (có lẽ cháu kêu bằng cậu vì không cùng họ với Thầy Quảng Phước). Sau đó thầy Bửu Thông kết hợp với Ban Hộ Tự của chùa đã mời nhiều vị thầy về để cùng chăm lo Phật sự nơi đây. Như thầy Huệ Đăng, thầy Thiện Lực v.v... các thầy đã từng ở đây tu tập, công phu bái sám, cũng như chăm lo Tam Bảo nơi này. Sau thời Thầy Bửu Thông, có một vị Phật tử nữ (chưa rõ danh tánh) là cháu của Hòa thượng Quảng Phước đã cùng với Ban Hộ Tự quản lý chùa Linh Bưu, và mời quý thầy về ở, trong đó có thầy Huệ Trí (tương truyền là gốc người Campuchia). Thầy Huệ Trí ở Chùa Linh Bửu lấy việc làm hàng mã sinh nhai, còn việc lễ bái ở chùa và giỗ quải là do cháu của Hòa thượng Quảng Phước cùng với Ban Hộ Tự chăm lo.

Sau khi thầy Huệ Trí viên tịch, đaến năm 2001, Thầy Thích Tuệ Hải (thế danh Hồ Văn Cón, sinh năm Bính Tý 1936) dưới sự chứng minh của Hòa thượng Bổn Sư (Hòa thượng Thích Phước Đức, hiện là viện chủ Chùa Hưng Thiền, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)và sự giới thiệu cũng như hỗ trợ của cư sĩ Minh Nguyệt (tức Thầy Thích Minh Nguyệt, trụ trì Chùa Linh Bửu từ năm 2014 – 2020), thầy Tuệ Hải về trụ tại chùa Linh Bửu. Lúc bấy giờ chùa còn rất hoan sơ, đổ nát. Sau khi về nhận chùa, thầy và cư sĩ Minh Nguyệt mới biết ngôi chùa chưa gia nhập giáo hội, nên hai vị đã lo mọi thủ tục hồ sơ để xin gia nhập giáo hội, từ đó chùa Linh Bửu chính thực sinh hoạt tôn giáo theo hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và chính thức được sự công nhận cơ sở tôn giáo của chính quyền địa phương. Trong giai đoạn ban đầu, thầy Tuệ Hải và cư sĩ Minh Nguyệt đã thỉnh Hòa thường Bổn Sư về mở đạo tràng Bát Quan Trai, và mở ra một số hoạt động Phật sự khác, nhằm tạo duyên tu tập cho tín đồ Phật tử nơi đây.

Sau đó, đến năm 2004, cư sĩ Minh Nguyệt xin xuất gia với Hòa thượng Bổ sư (Hòa thượng Thích Phước Đức) và ở tại chùa Linh Bửu để cùng với thầy Tuệ Hải chăm lo Phật sự nơi đây. Cùng thời gian này, chùa Linh Bửu đã xuống cấp trầm trọng, đứng trước tình trạng cơ sở vật chất của chùa không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tu học cho Tăng chúng cũng như tín đồ Phật tử gần xa, thầy Tuệ Hải và thầy Minh Nguyệt đã thỉnh ý Hòa thượng Bổn sư để tiến hành đại trùng tu ngôi Tam Bảo nơi đây. Công trình xây dựng hoàn tất, chư Tăng hoan hỷ và tín đồ Phật tử vui mừng. Trong giai đoạn này, thầy Minh Nguyệt vì không chuyên về nghi thức tụng niệm nên không thể tham gia ứng phó đạo tràng với chúng được, tránh sự cơ hiềm của đại chúng nên thầy xin thầy Bổn sư và thầy Tuệ Hải để về tịnh thất tu tập. Sau ba năm (2007) Thầy Tuệ Hải bệnh nặng nên gọi thầy Minh Nguyệt về, bởi thầy Minh Nguyệt có công hỗ trợ và gánh vác cùng thầy Tuệ Hải trong những giai đoạn đầu và giai đoạn trùng tu Chùa Linh Bửu. Do đó, thầy Tuệ Hải quyết định làm di chúc, đề xuất với giao hội thầy Minh Nguyệt sẽ thay thế thầy trụ trì và chăm lo ngôi Tam Bảo Linh Bửu sau khi thầy viên tịch. Đến 15 tháng 06 năm Tân Mão (2011), do bệnh duyên lâu ngày, Thượng tọa Thích Tuệ Hải đã viên tịch, trụ thế 76 năm. Thầy Minh Nguyệt lúc này cùng với thầy Trí Thọ, thầy Trí Niệm, thầy Thiện Quang... cùng nhau chăm lo ngôi Tam Bảo. Đến năm 2014, được sự tín nhiệm của Giáo hội, thầy Minh Nguyệt được cử làm trụ trì chùa Linh Bửu. Từ năm 2014 trở về sau, dưới sự chứng minh của Hòa thượng Bổn sư, thầy Minh Nguyệt đã tiếp tục xây dựng Đạo tràng Bát Quan Trai, củng cố thiền phong cũng như chương trình tu học tại chùa. Đối với việc hình thành và phát triển của Chùa, trước là công đức của Hòa thượng khai sơn, sau đó là công di dời Chùa của Thầy Quảng Phước, kế đó là công trùng tu Chùa của Thượng tọa Thích Tuệ Hải và thầy Thích Minh Nguyệt. Đặc biệt là thầy Minh Nguyệt đã gắn bó với sự phát triển của Chùa từ giai đoạn khó khăn cho đến sự phát triển như hôm nay.

Ngôi chùa Linh Bửu, với lịch sử chưa đầy 100 năm, nhưng đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm, cũng như tham gia vào nhiều móc lịch sử quan trọng của địa phương. Hiện tại, chư Tăng nơi đây lấy tôn chỉ “Thiền – Tịnh song tu” làm pháp tu, lấy “Trao dồi Trí – Đức” làm bổn hoài, dốc sức “Hoằng Pháp lợi sanh” làm phương châm hành đạo.

Đọc tiếp

Nét đẹp thiền môn